Lượt xem: 1502
Trong những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 thì nhiệm vụ tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm có tính liên vùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.

Những ngày cuối năm 2023, một tin vui đối với tỉnh Lào Cai là Nghị định thư xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc) được Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc chính thức ký kết. Cây cầu được kỳ vọng sẽ tạo đà thúc đẩy kết nối giao thương giữa 2 tỉnh Lào Cai - Vân Nam cũng như của các tỉnh trong hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và của cả 2 nước Việt - Trung.

2-6974.jpg

Trước đó, cuối tháng 9/2023, đúng dịp kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa và 65 năm ngày Bác Hồ thăm tỉnh Lào Cai, Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Lào Cai - Sa Pa đã vận hành toàn tuyến Dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa.

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cao, xây dựng nhiều cây cầu cạn vượt địa hình, hạn chế các khúc cua ngắn, góp phần đảm bảo an toàn cho phương tiện tham gia giao thông.

Đối với thị xã Sa Pa, tuyến đường này còn được kỳ vọng mở ra cơ hội mới cho việc thu hút đầu tư vào các khu vực còn nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch sau khi Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3-6029.jpg

Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Tỉnh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu của năm về phát triển kết cấu hạ tầng.

Cùng với 2 dự án nêu trên, Dự án nâng cấp cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo quy mô 4 làn xe đang chuẩn bị đầu tư; đường sắt khổ lồng giữa ga Lào Cai (Việt Nam) - ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) và đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được lãnh đạo Đảng và Chính phủ 2 nước quan tâm; 125 km quốc lộ, 580 km đường tỉnh, 250 km đường huyện và 665 km đường giao thông nông thôn đang được đầu tư xây dựng.

4-8684.jpg

Các dự án hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư khẳng định quan điểm xuyên suốt của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ là tập trung ưu tiên đầu tư cho các dự án hạ tầng kết nối, có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế.

Đây cũng là tinh thần được khẳng định trong quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, 1 trong 3 khâu đột phá là hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng số.

5-2203.jpg

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá trên các lĩnh vực nhằm đạt mức cao nhất các mục tiêu của tỉnh. Trong những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 thì nhiệm vụ tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm có tính liên vùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.

Tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì huy động các nguồn vốn, hoàn thiện các thủ tục và đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như Cảng Hàng không Sa Pa; cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối; cầu Phú Thịnh, cầu Làng Giàng; cải tạo các nút giao IC18, IC19… nâng cấp hệ thống quốc lộ. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo quy mô 4 làn xe; hoàn thiện quy hoạch đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đường sắt kết nối ray giữa ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); Quốc lộ 279 nối từ nút giao IC16 cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Lai Châu. Tiếp tục nâng cấp, cải tạo hệ thống đường tỉnh; nghiên cứu xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường kết nối đến Cảng Hàng không Sa Pa, khu kinh tế, khu du lịch, các khu vực có tiềm năng phát triển…

6-50.jpg

Để thực hiện nhiệm vụ này, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương giải quyết vướng mắc về mặt bằng, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Sở cũng chủ trì phối hợp với các ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề xuất với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai các hạ tầng kết nối giao thông liên vùng và kết nối qua biên giới quan trọng của tỉnh.

Về dự án Cảng Hàng không Sa Pa, Sở Giao thông vận tải đang nghiên cứu phương án đề nghị Trung ương xem xét tăng tỷ lệ phần vốn Nhà nước tham gia dự án tương tự như một số công trình đường cao tốc tại một số địa phương để tăng khả năng thu hút nhà đầu tư. Sở cũng đang nghiên cứu phương án giảm quy mô tối thiểu để đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước…

Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Tại dự thảo kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Cục Hàng không Việt Nam xây dựng có nội dung: “Đối với các cảng hàng không quan trọng quốc gia, các cảng hàng không có hoạt động quân sự và các cảng hàng không khu vực các tỉnh biên giới, hải đảo: Ưu tiên sử dụng nguồn lực của Nhà nước (ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước) để đầu tư các công trình thiết yếu”. Sở Giao thông vận tải sẽ bám sát, nghiên cứu kỹ và báo cáo UBND tỉnh, Tỉnh ủy giải pháp để dự án sớm được khởi công xây dựng.