Trong 27 dự án FDI còn hiệu lực có 10 dự án FDI Trung Quốc; 09 dự án FDI Singapore; 03 dự án FDI Hàn Quốc; 02 Dự án FDI Thái Lan; 03 dự án FDI của các cá nhân, tổ chức đến từ Đan Mạch, Na Uy, Anh, Mỹ.
Quý III/2022 và 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Lào Cai không có dự án FDI cấp mới. Có 02 dự án trọng điểm trong công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Lào Cai khởi công và đi vào hoạt động: Khởi công xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất dây điện và cáp điện công nghệ cao tại thôn Tân Hồng, xã Bản Qua (Bát Xát) với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD (tương đương 1.900 tỷ đồng). Khánh thành đi vào hoạt động Dự án Trung tâm Thương mại GO! Lào Cai với tổng mức đầu tư trên 13,5 triệu USD (tương đương 315 tỷ đồng). Có 01 dự án FDI chấm dứt hoạt động là Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến quế tại Lào Cai do Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà là chủ đầu tư.
Khởi công xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất dây điện và cáp điện công nghệ cao tại Bát Xát.
Tổng vốn đầu tư thực hiện giải ngân của các dự án FDI 9 tháng đầu năm đạt 12,9 triệu USD, bằng 72,47% so cùng kỳ; tổng doanh thu đạt 91,06 triệu USD, bằng 47,68% so cùng kỳ; tổng giá trị xuất khẩu đạt 0,39 triệu USD; tổng giá trị nhập khẩu đạt 0,5 triệu USD. Có 2.941 lao động, tăng gần 17% so với cùng kỳ; lương bình quân của người lao động trong các dự án FDI đạt 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Từ đầu năm 2022 đến nay do dư âm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Dự án xây dựng Nhà máy gang thép Lào Cai (Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung) gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp FDI lĩnh vực dịch vụ - du lịch như: Khách sạn Aristo, du lịch của Topas, Victoria đã hoạt động bình thường trở lại tuy nhiên doanh thu giảm mạnh so với thời điểm chưa có dịch Covid-19. Các dự án thủy điện của Công ty Cổ phần Thủy điện Leader Nam Tiến, Công ty TNHH đầu tư điện lực Việt Trung, Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Lào Cai Việt Nam đang hoạt động và sản xuất ổn định. Dự án Sản xuất đai cúc đích và sản phẩm dệt trang trí xuất khẩu của Công ty Dệt trang trí Thượng Hải đã sản xuất trở lại.
Trong thời gian qua, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đã được Lào Cai quan tâm thực hiện song do qũy đất để xúc tiến đầu tư còn hạn chế; cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện nhiều nhưng khoảng cách từ tỉnh Lào Cai đến hệ thống cảng biển của thành phố Hải Phòng, đến các trung tâm kinh tế như thành phố Hà Nội vẫn còn xa nên chi phí vận chuyển tương đối lớn, làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút FDI của tỉnh.
Tiếp tục triển khai Kế hoạch năm 2022, tỉnh Lào Cai tập trung ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài ở một số lĩnh vực như: Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường và thân thiện môi trường. Chú trọng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến từ các nước có nền công nghiệp phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu. Ưu tiên các dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp, nhất là ở các khu công nghiệp; dịch vụ logistic, tập trung đầu tư tăng tốc hạ tầng khu công nghiệp Bản Qua và cụm công nghiệp Thống Nhất, Cốc Mỳ, xây dựng cầu Bá Sái, cầu Phú Thịnh, cầu Làng Múc, đường Kim Thành - Ngòi Phát, đầu tư xây dựng các khu đô thị mới của thành phố Lào Cai, Sa Pa, Bắc Hà... sẵn sàng thu hút đầu tư.
Tập trung vận động đầu tư tại chỗ, nhất là vận động các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp FDI đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả. Tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài làm nền tảng thu hút đầu tư. Tiếp tục rà soát, thu hồi các dự án hoạt động kém hiệu quả, vi phạm cam kết với chính quyền, quy định của pháp luật để bố trí đất cho các dự án hiệu quả hoạt động./.