Lượt xem: 181
Các nguồn gây ô nhiễm không khí tại Lào Cai tập trung chủ yếu ở Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng và một số nhà máy sản xuất công nghiệp tại huyện Văn Bàn, Bát Xát. Trước những yếu tố tác động đến môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đang tích cực vào cuộc để giảm thiểu ô nhiễm không khí.
White Modern Explore Instagram Story.jpg

Hiện nay, tại Lào Cai có 12 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động có nguồn xả thải lớn trên địa bàn lắp đặt xong hệ thống quan trắc tự động với 24 trạm truyền dữ liệu quan trắc tự động liên tục khí thải về Sở Tài nguyên và Môi trường theo đúng lộ trình quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Theo kết quả quan trắc về chất lượng môi trường không khí của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh thực hiện đến hết năm 2023 cho thấy, cơ bản chất lượng không khí trên địa bàn toàn tỉnh vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, có thời điểm, một số chỉ tiêu đã có xu hướng vượt quy chuẩn.

Cụ thể, môi trường không khí xung quanh Khu Công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng) và khu vực khai thác khoáng sản (Mỏ đồng Sin Quyền, Mỏ Apatit Cam Đường và các mỏ đá tại xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng), các thông số bụi TSP, tiếng ồn, NO2 vượt quy chuẩn cho phép. Nguyên nhân việc các thông số vượt quy chuẩn cho phép do lưu lượng, mật độ phương tiện giao thông lớn, một số thời điểm do cộng hưởng các nguồn khí thải... Nhưng ngay khi phát hiện thông qua hệ thống quan trắc tự động, lực lượng chức năng và cơ quan liên quan đã có giải pháp để các thông số trên được kiềm chế và đưa về mức cho phép.

1.jpg
HỆ THỐNG TRẠM THU KHÍ THẢI VÀ PHÂN PHỐI ĐẾN LÒ SẤY CỦA CÔNG TY ĐỨC GIANG copy.jpg
Hệ thống thu hồi khí thải và phân phối đến lò sấy của Công ty TNHH Một thành viên hóa chất Đức Giang Lào Cai.

Công ty TNHH Một thành viên hóa chất Đức Giang Lào Cai là đơn vị đi đầu trong việc thu hồi các loại khí thải để hoàn lưu phục vụ sản xuất.

Ông Đặng Tiến Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên hóa chất Đức Giang Lào Cai cho biết, từ tháng 6/2023, công ty đã áp dụng thành công việc thu hồi 100% khí thải từ lò điện phốt pho để dùng cho các quá trình sấy ở một số công đoạn trong sản xuất; thu hồi xử lý khí Flo phục vụ sản xuất muối Na2SiS6.

Đến nay, công ty đã đầu tư khoảng 70 tỷ đồng để đầu tư thiết bị cho việc thu hồi khí phát thải, các loại khí được thu hồi giúp tiết kiệm nhiên liệu sấy và nhiên liệu sản xuất cho công ty khoảng 130 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, công ty đầu tư thêm quy trình để có thể thu hồi khí CO2 phục vụ sản xuất bột nhẹ, hóa lỏng khí, đồng thời giúp chống hiệu ứng nhà kính trong khu vực sản xuất.


Để tăng cường công tác quản lý môi trường không khí, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, như: Chỉ thị số 10 ngày 7/7/2020 của UBND tỉnh về tăng cường công tác kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Đề án số 09 ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025; phê duyệt Đề án thí điểm phát triển đô thị thông minh tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018 - 2025, trong đó gắn công tác quản lý môi trường bằng ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực quan trắc môi trường, quản lý hoạt động xử lý môi trường bằng công nghệ tự động, cung cấp khả năng giám sát, cảnh báo sớm và hỗ trợ việc ra quyết định cho nhà quản lý theo thời gian thực...

TRẠM QUAN TRẮC KHÔNG KHÍ TỰ ĐỘNG TẠI KHU CÔNG NGHIỆP TẰNG LỎNG copy.jpg
Trạm quan trắc môi trường tự động tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng.

Ông Lưu Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết: Hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm tra tập trung chủ yếu vào các loại hình, khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Nhìn chung, công tác quản lý môi trường không khí trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, thực hiện, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường quản lý chất lượng không khí, kiểm soát ô nhiễm.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn gặp một số khó khăn, như: chưa ban hành kế hoạch quản lý môi trường không khí, do Lào Cai là tỉnh miền núi, kinh tế còn khó khăn nên nguồn ngân sách cho bảo vệ môi trường chưa đáp ứng nhiệm vụ đặt ra, dẫn tới một số nhiệm vụ chậm triển khai.

Cùng với đó, theo Nghị định 08 ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, thì thời hạn hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc bụi, khí thải công nghiệp, nước thải tự động, liên tục và kết nối, truyền số liệu trực tiếp đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh chậm nhất là ngày 31/12/2024, vì vậy một số doanh nghiệp chưa quyết liệt trong việc triển khai lắp đặt.

CÁC NHÀ MÁY PHỐT PHO CỦA ĐỨC GIANG KHÔNG CÒN PHÁT THẢI KHÍ.JPG
Ống khói tại các nhà máy phốt pho được thu hồi khí đã không còn phát thải ra môi trường.

Ông Lưu Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết thêm, trong thời gian tới, chi cục sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trong công tác quản lý môi trường không khí; hoàn thiện và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; tăng cường, bổ sung điểm, tần suất quan trắc môi trường không khí tại khu vực tiềm ẩn nguy cơ gây tác động môi trường để phục vụ tốt công tác kiểm soát nguồn thải, kịp thời cảnh báo, xử lý khi có tác động môi trường. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm vi phạm về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt ở các khu vực tiềm ẩn nguy cơ gây tác động môi trường... qua đó ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải, góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí và đảm bảo tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.