Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân, người lao động chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố cháy, nổ,... Phân công cán bộ trực trong dịp Tết để đảm bảo xử lý kịp thời khi có sự cố về cháy nổ, an toàn vệ sinh lao động, tai nạn lao động xảy ra.
Chỉ đạo và yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc quyền quản lý tăng cường tự kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ trước, trong và sau Tết nguyên đán Quý Mão 2023; đặc biệt đối với các khu vực, địa điểm tập trung đông người, chợ văn hóa, khu vui chơi giải trí, các hoạt động lễ hội và các cơ sở, sản xuất, kinh doanh có tiềm ẩn xảy ra cháy, nổ, gây tai nạn lao động như: sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, điện, kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, kho chứa vật tư hàng hóa, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động,...; các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, luyện kim, sản xuất hóa chất; thi công cơ sở hạ tầng, dân dụng, công nghiệp; chế biến nông, lâm sản, khu du lịch, dịch vụ,…
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại công trình xây dựng, khu đông dân cư.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại công trình đang xây dựng, khu đông dân cư, đường giao thông có đông người đi lại, mỏ khai thác khoáng sản, khu du lịch, khu vui chơi công cộng. Yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động, tai nạn lao động; tiến hành thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Công an tỉnh tăng cường hướng dẫn các hộ dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, buôn bán tập trung ở các chợ, khu dân cư; các khu công nghiệp, siêu thị.... về công tác phòng cháy chữa cháy. Bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý khi có tình huống cháy, nổ xảy ra. Tăng cường công tác quản lý về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy; đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, đốt pháo nổ.
Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật và kịp thời nêu gương, nhắc nhở những đơn vị chưa thực hiện tốt về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ của các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; chú trọng ngành nghề có nguy cơ xảy ra tai nạn laođộng, cháy nổ,… đặc biệt đối với cơ sở kinh doanh, hộ gia đình,…
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho người lao động về pháp luật an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, tai nạn lao động, các biện pháp bảo đảm an toàn nơi làm việc. Tổ chức tự kiểm tra trong phạm vi đơn vị về tình trạng an toàn vệ sinh lao động của máy, thiết bị, mặt bằng nhà xưởng... và việc chấp hành các quy định, chế độ an toàn lao động, quy trình biện pháp làm việc an toàn, các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, kế hoạch ứng cứu để giải quyết khi có sự cố xảy ra./.