Lượt xem: 151
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), năm 2024 huyện Bảo Yên phấn đấu có thêm 8 sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của các xã, thị trấn được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên.

Dự kiến các sản phẩm đánh giá mới gồm: Thịt trâu sấy Luyện Bài - xã Vĩnh Yên; Lạc rang Húng Lìu - xã Tân Dương; Cây Đào cảnh Điện Quan - xã Điện Quan; Bưởi da xanh - xã Kim Sơn; Chè dây Tân Tiến - xã Tân Tiến; Nhung Hươu tươi; Rượu Nhung Hươu; Bánh mỳ Bảo Yên - thị trấn Phố Ràng.

Bánh mỳ Bảo Yên là 01 trong 08 sản phẩm dự kiến đánh giá mới để công nhận sản phẩm OCOP năm 2024.
Bánh mỳ Bảo Yên là 01 trong 08 sản phẩm dự kiến đánh giá mới để công nhận sản phẩm OCOP năm 2024.

Trong năm 2024, huyện Bảo Yên sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao thứ hạng đối với các sản phẩm đã được công nhận. Củng cố ít nhất 5 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm thế mạnh của huyện. Tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Đánh giá lại 7 sản phẩm OCOP hết thời hạn 36 tháng kể từ ngày cấp theo quy định: Mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa - Công ty TNHH Phát triển Ong miền núi Thanh Xuân, xã Bảo Hà; Chè xanh - Công ty TNHH Chè Đại Hưng, thị trấn Phố Ràng; Tinh dầu Quế Bảo Yên, Tỉnh dầu Sả Bảo Yên - Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Vĩnh Yên, xã Vĩnh Yên; Ếch sấy Thanh Mai - Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Sơn, xã Xuân Thượng.

Phấn đấu 100% sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử. Lựa chọn 1 tổ chức đứng ra làm đại diện để xây dựng các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện tại các Hội chợ OCOP thường niên, Hội nghị kết nối giao thương và Diễn đàn hợp tác quốc tế mỗi làng/xã một sản phẩm nhằm đưa các sản phẩm được chứng nhận OCOP của huyện đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Nhu cầu kinh phí triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Bảo Yên năm 2024 là 930 triệu đồng. Việc triển khai đưa các sản phẩm nông sản đặc trưng, tiềm năng của địa phương trở thành sản phẩm hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng phục vụ thị trường tiêu thụ trên toàn quốc.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai