Lượt xem: 2356
DNVN - Theo giới chuyên gia, các nhà khoa học cũng như doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách đột phá, khác biệt để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều “điểm nghẽn”

Tại hội thảo khoa học “Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao: Thực trạng và giải pháp” ngày 4/10 tại Hà Nội, bà Lê Thanh Hiếu - Trưởng ban Tư vấn Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật Hà Nội cho biết, tính đến hết năm 2022, Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). 20 DN bước đầu đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC.

Tuy nhiên, năm 2017, tính đến nay, trên địa bàn TP mới chỉ có 1 DN được Bộ NN&PTNT chứng nhận là DN nông nghiệp CNC.

Bà Lê Thanh Hiếu - Trưởng ban Tư vấn Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật Hà Nội.

Dẫn số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Trường Duy - Vụ Khoa học công nghệ (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện cả nước có 290 DN đang ứng dụng CNC vào sản xuất. Tuy nhiên, theo Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay có 72 DN nông nghiệp được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng CNC.

“Từ năm 2010 đến nay, Nhà nước đã có các chính sách nhằm phát triển DN nông nghiệp ứng dụng CNC. Tuy nhiên, số lượng DN không đạt như kỳ vọng do còn nhiều bất cập, khó khăn liên quan đến tiếp cận tín dụng, đất đai, thuế, phí, tiếp cận và mở rộng thị trường cũng như đào tạo nhân lực trong nông nghiệp”, ông Duy nêu.

Cụ thể, mặc dù Nhà nước đã có gói tín dụng 100 nghìn tỷ cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC với lãi suất thấp chỉ 1,5% nhưng giải ngân chậm do số lượng DN được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC còn hạn chế. Nhiều DN nông nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn.

“Đặc biệt, các chính sách ưu đãi thuế chưa có sự khác biệt để khuyến khích, thúc đẩy DN mạnh đầu tư vào nông nghiệp CNC”, ông Duy nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trường Duy - Vụ Khoa học công nghệ (Bộ NN&PTNT).

DN gặp khó trong việc tập trung đất nông nghiệp để sản xuất lớn. Thủ tục chuyển nhượng giữa các hộ, thủ tục cho DN thuê đất còn phức tạp. DN thuê đất nông nghiệp của hộ nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Đa số hộ nông dân chủ yếu cho gia đình và người thân quen thuê đất.

Về đào tạo nhân lực, chưa có cơ chế gắn kết giữa đào tạo nghề với phát triển sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hàng hóa do vậy hạn chế phát huy hiệu quả dạy nghề cũng như khuyến khích người học nghề. Cơ chế, chính sách chưa thu hút được các DN tham gia tích cực trong công tác dạy nghề.

Cần chính sách đặc thù

Trước những “điểm nghẽn” trên, ông Nguyễn Trường Duy cho rằng, ngoài chính sách chung khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, địa phương cần có chính sách riêng trên cơ sở đặc thù, thế mạnh của địa phương để khuyến khích, thúc đẩy DN đầu tư, chuyển đổi công nghệ tiên tiến, công nghệ mới cho sản xuất nông nghiệp CNC.

Ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng từ ngân sách để hỗ trợ phát triển DN nông nghiệp ứng dụng CNC. Đồng thời có chính sách đủ mạnh để thúc đẩy nhanh việc hình thành và đầu tư của DN vào các khu nông nghiệp ứng dụng CNC làm đầu tàu, hạt nhân dẫn dắt sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy DN, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong chuỗi sản xuất kinh doanh nông nghiệp, trong đó, đó DN giữ vai trò dẫn dắt…

Đề xuất giải pháp cho Hà Nội, ông Phùng Danh Huân - Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, TP cần sớm hoàn hoàn thành quy hoạch sản xuất nông nghiệp CNC. Có chế tài đủ mạnh nhằm bảo đảm sự tuân thủ quy hoạch cho phát triển nông nghiệp CNC phù hợp với quy hoạch chung của quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, ổn định và bền vững.

Xem xét thu hồi những diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, đất dự án bỏ hoang để giao lại cho các DN đầu tư vào lĩnh vực này.

Có chính sách khuyến khích nhập khẩu, tiếp nhận chuyển giao làm chủ các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến từ nước ngoài mà Việt Nam chưa tạo ra được.

“Phát triển nguồn nhân lực phải được coi là mục tiêu then chốt, quyết định để Hà Nội trở thành một trong những đầu tàu phát triển kinh tế, trung tâm”, ông Huân chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Trung - Quản lý Nhà máy của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao.

Là DN đầu tiên và duy nhất của Hà Nội được chứng nhận là DN nông nghiệp ứng dụng CNC, ông Nguyễn Văn Trung - Quản lý Nhà máy của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao kiến nghị, Chính phủ, Bộ Nông NN&PTNT, Bộ KH&CN nên đưa nhiệm vụ phát triển nghề nấm vào chương trình kế hoạch riêng. Qua đó, tập trung phát triển cho khu vực nông thôn nhằm tận dụng các sản phẩm phụ trong nông nghiệp góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Ưu tiên, hỗ trợ cho các đơn vị nghiên cứu hoặc tìm kiếm công nghệ tiên tiến của nước ngoài về sản xuất, bảo quản, chế biến các loại nấm ăn, nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Cơ quan quản lý cần tìm giải pháp hạn chế tối đa việc nhập khẩu nấm lậu đang bày bán rộng rãi, công khai trên thị trường.

“Nếu kiểm soát được, chúng ta không những thu được thuế cho ngân sách Nhà nước mà còn có thể trả lại công bằng cho các DN sản xuất nấm tại Việt Nam, cạnh tranh một cách sòng phẳng về mặt thị trường cũng như giá cả để các DN Việt yên tâm sản xuất những sản phẩm chất lượng, an toàn, phục vụ người tiêu dùng”, ông Trung cho hay.

TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật Hà Nội.

Cảm ơn các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất, TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật Hà Nội cho biết, đề xuất thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại hội thảo sẽ được liên hiệp tổng hợp, gửi lên Chính phủ.

“Hy vọng trong tương lai không xa, Hà Nội nói riêng và các địa phương khác trên cả nước sẽ có thêm nhiều DN được chứng nhận là DN nông nghiệp CNC, đóng góp nhiều hơn nữa vào nền nông nghiệp và kinh tế nước nhà”, TS Lê Văn Rao bày tỏ.

Nguyệt Minh