Lượt xem: 91
Năm 2023, mặc dù tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, doanh nghiệp phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản trầm lắng… nhưng lại là năm hoạt động ngân hàng trên địa bàn đạt nhiều kết quả, đặc biệt là việc huy động vốn.

Tính đến 31/12/2023, huy động vốn trên địa bàn đạt 46.150 tỷ đồng, tăng 11,84% so với 31/12/2022, vượt 51% kế hoạch tăng trưởng của năm 2023, trong khi lãi suất huy động điều chỉnh giảm 3 lần trong năm. Nguồn vốn huy động đã đáp ứng 90% dư nợ vốn tín dụng thương mại của người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao sự chủ động nguồn vốn cho vay tại địa bàn.

z5169848918086_4d5420a5c8aaad9ca6ebf2e6aae7fb6a.jpg

Nguyên nhân là do chuyển đổi số ngành ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt phát triển nhanh, số lượng tài khoản thanh toán tăng 66% so với năm 2022, đạt hơn 1 triệu tài khoản, nên số dư tiền gửi thanh toán tăng cao; thu nhập của người dân trên địa bàn tăng so với năm trước, mặt khác, nhu cầu chi tiêu, nhất là cho tiêu dùng của người dân có phần chững lại (dư nợ cho vay tiêu dùng năm 2023 chỉ tăng 5,1% so với năm 2022, trong khi dư nợ toàn địa bàn tăng 11,93%). Bên cạnh đó, năm 2023, thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường vàng trong nước có biến động mạnh… các kênh đầu tư chưa đủ hấp dẫn khiến người dân chọn ngân hàng là kênh gửi tiền an toàn nhất trong thời gian này.

“Điều đó cho thấy niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với ngân hàng trên địa bàn đã tăng”, ông Trương Thanh Xuân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai cho biết.

Minh chứng rõ nét cho điều này là sự tăng trưởng về nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Lào Cai. Năm 2023, nguồn vốn của Agribank Chi nhánh Lào Cai tăng 12,8% so với năm 2022, trong đó tiền gửi dân cư tăng 12,5%. Theo ông Nguyễn Đình Hải, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Lào Cai, sự tăng trưởng về nguồn vốn huy động là do ngân hàng đã tạo được niềm tin với khách hàng, thông qua việc đổi mới phong cách phục vụ, triển khai linh hoạt chính sách lãi suất và áp dụng các sản phẩm huy động vốn phù hợp với khách hàng.

2.jpg

Nói như Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Lào Cai Nguyễn Đình Hải, để có được tăng trưởng về nguồn vốn huy động, các ngân hàng phải có nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp với thị trường tín dụng. Trước hết, các ngân hàng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển dịch dần mô hình kinh doanh từ truyền thống sang xu hướng giao tiếp với khách hàng bằng phương thức điện tử, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng một cách thuận tiện, an toàn cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển đa dạng chương trình, sản phẩm huy động, hình thức huy động vốn phù hợp, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của người gửi tiền.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh thành thói quen của người dân, nhất là ở vùng cao, vùng nông thôn; nâng cao cơ sở hạ tầng thanh toán, thúc đẩy thanh toán điện tử, mở rộng hệ sinh thái số, phát triển, áp dụng chính sách ưu đãi hợp lý, đảm bảo an ninh, an toàn… Tạo thuận lợi cho khách hàng dễ dàng, thuận tiện, yên tâm khi gửi tiền vào hệ thống ngân hàng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ, góp phần gia tăng nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng.

Đẩy mạnh truyền thông về việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ huy động vốn ngân hàng để người dân, doanh nghiệp nắm đầy đủ, kịp thời. Tăng cường triển khai nhiều chương trình gắn huy động vốn với việc cung ứng cho khách hàng nhiều dịch vụ, tiện ích để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng đối với các dịch vụ của ngân hàng, qua đó thu hút khách hàng gửi tiền vào ngân hàng. Khuyến khích các chi nhánh ngân hàng thương mại mở rộng mạng lưới ngân hàng tới vùng cao, vùng sâu, vùng nông thôn, tạo thuận tiện cho các tổ chức kinh tế, dân cư giao dịch, sử dụng dịch vụ ngân hàng, góp phần tăng khả năng huy động vốn…

2.jpg

Để đảm bảo nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành ngân hàng Lào Cai đặt mục tiêu phấn đấu đến 31/12/2024, tổng nguồn vốn huy động tại địa bàn đạt 51.700 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2023, đáp ứng được trên 90% dư nợ vốn tín dụng thương mại của người dân, doanh nghiệp trong tỉnh.