Tại cuộc họp về công tác triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 (Nghị quyết số 68) diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng ghi nhận các kết quả đạt được của 18 đơn vị trực thuộc Bộ trong công tác cắt giảm, đơn giản hóa hoạt động đầu tư kinh doanh giai đoạn 2017 – 2019.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận, trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 68 từ năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương chưa xây dựng được phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để khắc phục tồn tại này, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc rà soát quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của đơn vị để xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hoá và tính toán chi phí tuân thủ của các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Trong phương án nêu cụ thể tổng số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, số lượng cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, số lượng quy định có thể thực thi ngay trong năm nay. Dự kiến cắt giảm đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhưng chưa thể thực thi trong năm 2023. Đồng thời xây dựng kế hoạch, lộ trình thực thi các phương án trong năm 2024 – 2025.
Trường hợp có đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, các đơn vị đề xuất phương án, tính toán chi phí tuân thủ, văn bản dự kiến điều chỉnh và dự kiến tiến độ triển khai thực hiện.
Trong trường hợp không đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh phải đánh giá sự cần thiết tiếp tục duy trì các quy định về hoạt động kinh doanh hiện hành và gửi Vụ Pháp chế tổng hợp, báo cáo lãnh đạo bộ quyết định.
Các đơn vị trong bộ có trách nhiệm rà soát, thống kê, cập nhật đầy đủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lên cổng lấy ý kiến tham vấn của các đối tượng tuân thủ trong quá trình dự thảo….
Trước đó, theo Văn phòng Chính phủ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, một số bộ chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời quy định kinh doanh lên cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh (QĐKD). Việc tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, người dân đối với QĐKD dự kiến ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chưa được thực hiện đầy đủ.
Còn 688 QĐKD đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa nhưng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các VBQPPL để thực thi. Việc tiếp nhận, xử lý khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định, thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp còn chậm trễ.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang bộ, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành chỉ tiêu cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD thuộc phạm vi chức năng quản lý được Chính phủ giao tại Nghị quyết 68.
Tham vấn trực tuyến, tương tác hai chiều giữa bộ, ngành với các hiệp hội, doanh nghiệp; giữa bộ, địa phương và các đối tượng liên quan trên cổng tham vấn và tra cứu QĐKD để rút ngắn thời gian lấy ý kiến đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Xử lý dứt điểm các đề xuất, kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp đối với các QĐKD thuộc phạm vi quản lý được gửi tương tác trên cổng tham vấn và tra cứu QĐKD và những phản ánh, kiến nghị được giao tại mục IX Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 8/7/2023 của Chính phủ.
Tuyên truyền, khuyến khích các hiệp hội, doanh nghiệp, đối tượng quản lý tham gia đóng góp ý kiến hoặc gửi vướng mắc, đề xuất đối với QĐKD trên Cổng tham vấn và tra cứu QĐKD.
Khẩn trương hoàn thành việc thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.