Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 33-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai.
Mỗi thế mạnh của từng vùng trong tỉnh đều có doanh nghiệp mạnh
Chương trình hành động đặt mục tiêu mỗi năm phấn đấu thành lập mới khoảng 800 doanh nghiệp, đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 9.000 doanh nghiệp và năm 2030 có trên 16.000 doanh nghiệp. Trong đó tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đạt trên 60% năm 2025 và 70% năm 2030.
Hằng năm, giải quyết việc làm mới trên 8.000 lao động; hỗ trợ đào tạo khoảng 400 đội ngũ kinh doanh về quản trị doanh nghiệp và khởi sự doanh nghiệp.
Đến năm 2025 khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 55% GRDP của tỉnh và 65% tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn tỉnh; tổng vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp chiếm từ 50 - 60% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2030 khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65% GRDP của tỉnh và 70% tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn tỉnh; tổng vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp chiếm từ 60 - 70% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2025 trên 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý, sản xuất và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Đến năm 2030 con số này đạt trên 80%.
Đội ngũ doanh nghiệp - doanh nhân tỉnh Lào Cai không ngừng phát triến cả về số lượng, chất lượng.
Phấn đấu năm 2025 có trên 50% doanh nghiệp có tổ chức Đoàn thể, 60% doanh nghiệp là hội viên chính thức của các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, 10% doanh nghiệp có tổ chức cơ sở Đảng. Đến năm 2030 có 70% doanh nghiệp có tổ chức Đoàn thể, 80% doanh nghiệp là hội viên chính thức của các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, 15% doanh nghiệp có tổ chức cơ sở Đảng theo quy định của điều lệ Đảng, luật công đoàn, điều lệ của các tổ chức chính trị xã hội, xã hội - nghề nghiệp.
Phấn đấu hằng năm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) thuộc nhóm 10 tỉnh đứng đầu cả nước.
Định hướng đến 2050 tiếp tục phát triển doanh nghiệp tăng cả về số lượng và chất lượng bình quân 15%/năm; khuyến khích thu hút, hình thành và phát triển ít nhất 10 tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; đảm bảo trên địa bàn tỉnh có trên 20 doanh nghiệp lớn về chuỗi dịch vụ logistics và du lịch, nông, lâm, thủy sản và công nghiệp hỗ trợ. Duy trì doanh nghiệp tham gia và từng bước làm chủ chuỗi liên kết trong nước và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong liên kết xuất khẩu đường biên và công nghiệp hỗ trợ xuất khẩu. Cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với cơ cấu kinh tế tỉnh, mỗi thế mạnh của từng vùng trong tỉnh đều có doanh nghiệp mạnh. Đồng thời, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
06 nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TU
Trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lãnh đạo thực hiện phát triển doanh nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Nghị quyết số 33-NQ/TU ngày 11/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; UBND tỉnh đã cụ thể hóa thành 06 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong Chương trình hành động.
Trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành; đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển doanh nghiệp.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, chú trọng thu hút doanh nghiệp lớn, chủ chuỗi cung ứng đầu tư và hoạt động trên địa bàn tỉnh Lào Cai: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển; đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp; tạo sự thu hút doanh nghiệp vốn FDI; đẩy mạnh liên kết vùng đồng bằng sông Hồng; xây dựng Trung tâm kiểm định và chứng nhận hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả có trách nhiệm xã hội. Trong đó tăng cường dịch vụ hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục đăng ký doanh nghiệp và các điều kiện gia nhập thị trường. Triển khai hiệu quả dịch vụ hỗ trợ tư vấn chính sách thuế và chế độ kế toán cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đẩy mạnh dịch vụ thu hút và phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Thực hiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Cùng với đó là tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Phát triển đội ngũ doanh nhân, người lao động, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp; phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp, doanh nhân.
Đối với mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Lào Cai đã phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương và ấn định các sản phẩm phải hoàn thành cũng như tiến độ, thời gian thực hiện nhằm phát triển doanh nghiệp bền vững, toàn diện trên địa bàn tỉnh đến năm 2050./.