Lượt xem: 2107
CTTĐT - Đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng cuối năm sẽ được công đoàn hỗ trợ tiền mặt từ 1 - 3 triệu đồng/người. Ngày 16/1, Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06 về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Cụ thể, mức hỗ trợ như sau:

Người lao động là đoàn viên công đoàn bị giảm thời gian làm việc hàng ngày, giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng (trừ trường hợp giảm thời gian làm thêm giờ) hoặc bị ngừng việc từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.3.2023 mà có thu nhập của một tháng bất kỳ bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hiện hành, được hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

Hỗ trợ đoàn viên công đoàn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên tính từ ngày 1.10.2022 đến hết 31.2.2023 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.3.2023 được hỗ trợ mức 2 triệu đồng/người.

Người lao động là đoàn viên công đoàn chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.3.2023 (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bị xử lý kỷ luật sa thải, thử việc không đạt yêu cầu) nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ với mức 3 triệu đồng/người.

Lao động không phải đoàn viên công đoàn vẫn được hỗ trợ

Mỗi đoàn viên công đoàn, người lao động được nhận hỗ trợ một lần bằng tiền.

Trường hợp lao động đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau theo nghị quyết này thì chỉ được hưởng chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.

Trường hợp đã được hưởng chính sách hỗ trợ ở mức thấp, sau đó chuyển thành đối tượng được hỗ trợ ở mức cao hơn thì được hưởng tiếp phần chênh lệch giữa hai mức hỗ trợ.

Người lao động không là đoàn viên công đoàn được hưởng mức hỗ trợ bằng 70% so với mức hỗ trợ đối với người lao động là đoàn viên công đoàn.

Người lao động không là đoàn viên công đoàn nhưng là lao động nữ từ đủ 35 tuổi trở lên, lao động nữ đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em) thì được hưởng mức hỗ trợ như đoàn viên công đoàn.

Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/3/2023. Thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động chậm nhất trong ngày 30/5/2023.

Kinh phí thực hiện hỗ trợ được chi từ nguồn tài chính của công đoàn.

Theo thống kê của cơ quan chuyên ngành, tới cuối tháng 12/2022, hơn 483.000 lao động bị giảm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng trong 1.240 doanh nghiệp tại 44 tỉnh thành. Trên 70% lao động chịu ảnh hưởng làm việc trong doanh nghiệp FDI, tập trung ba ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ, chủ yếu ở phía nam như TP HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và An Giang.

Trong số này, có hàng nghìn công nhân nữ 35 tuổi trở lên, đang thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Công đoàn dự báo ra Tết sẽ có thêm gần 272.000 người bị giảm giờ làm và 15.800 lao động mất việc.