Dự án nâng cấp đường thị trấn Khánh Yên đi các xã Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ, Liêm Phú (gọi tắt là dự án) được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây là tuyến giao thông huyết mạch đi các xã phía Nam của huyện Văn Bàn. Tuy nhiên sau nhiều năm khai thác, tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến giao thương và đi lại. Người dân các xã trên tuyến đường này đã nhiều lần kiến nghị tỉnh, huyện sớm triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Do vậy, dự án được phê duyệt, triển khai sẽ giải quyết những khó khăn nói trên, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối 6 xã phía Nam với trung tâm huyện được thông suốt, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương và vận chuyển hàng hóa giữa các xã, hướng tới kết nối trục kinh tế Văn Bàn (Lào Cai) với Văn Yên (Yên Bái) qua tuyến Tỉnh lộ 151B.
Dự án ký hợp đồng tháng 12/2021, đến tháng 3/2022 bắt đầu triển khai thi công. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, liên tục bị gián đoạn, thậm chí có thời điểm nhà thầu phải kéo máy móc, thiết bị đi công trường khác do vướng mắc về mặt bằng. Đại diện đơn vị thi công cho biết: "Có mặt bằng đến đâu, nhà thầu tổ chức thi công ngay đến đó nhưng thực tế mặt bằng thi công “xôi đỗ”, thi công được một đoạn lại vướng”.
Qua tìm hiểu được biết tuyến đường này được mở rộng, nâng cấp lên sẽ lấy vào một phần đất của các hộ sống dọc hai bên. Để tiết kiệm ngân sách địa phương (dự án sử dụng ngân sách tập trung và ngân sách huyện) và giảm chi phí giải phóng mặt bằng, UBND huyện Văn Bàn chủ động vận động Nhân dân hiến đất để xây dựng công trình, chỉ bồi thường, đền bù, hỗ trợ tài sản, hoa màu trên đất.
Nói thì như vậy nhưng khi triển khai, công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Chủ đầu tư và các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã vào cuộc và phải mất nhiều lần tuyên truyền, vận động, giải thích thì người dân mới cơ bản đồng thuận hiến đất. Còn đối với những hộ phải di chuyển tài sản, cây cối, hoa màu cũng phải mất nhiều thời gian để phối hợp thống kê, kiểm đếm. Theo thống kê, liên quan đến dự án, đoạn từ xã Khánh Yên Thượng đến xã Khánh Yên Hạ có 492 hộ/tổ chức bị ảnh hưởng, trong đó 411 hộ/tổ chức có đất thu hồi, 81 hộ có tài sản, cây cối hoa màu. Đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Văn Bàn đã ban hành Quyết định thu hồi 1,221 ha đất của 219/492 hộ/tổ chức và phê duyệt với số tiền bồi thường, hỗ trợ là 3,488 tỷ đồng. Điều đáng nói, theo hợp đồng, đến ngày 19/3/2023 dự án hoàn thành (đã được gia hạn đến 31/12/2023) nhưng đến tận ngày 7/9/2023 UBND huyện Văn Bàn mới ban hành quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ cho 23 hộ của xã Khánh Yên Hạ.
Được biết, do những khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, chủ đầu tư đã gia hạn hợp đồng lần 1 đến hết ngày 31/12/2023. Do điều chỉnh, bổ sung phát sinh một số hạng mục trên tuyến, đồng thời nâng cấp đoạn từ Km8+450 đến Km10 (từ ngầm Bản Phát, xã Khánh Yên Hạ đến trung tâm xã Liêm Phú) từ tưới nhựa sang thảm bê tông nên chủ đầu tư đã tiếp tục gia hạn hợp đồng lần 2 đến hết ngày 31/12/2024.
Cũng vì vướng mắc mặt bằng mà dẫn đến câu chuyện cầu chờ đường. Cụ thể, trong dự án nâng cấp đường thị trấn Khánh Yên đi các xã Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ, Liêm Phú sẽ mở mới đoạn đường có chiều dài gần 300 m để đấu nối vào cầu Khánh Yên Hạ (được đầu tư xây dựng mới để thay thế ngầm Khánh Yên Hạ do thường xuyên ngập nước sau mỗi trận mưa lũ, mất an toàn). Dự án thi công cầu Khánh Yên Hạ do Công ty Cổ phần Cầu Lào Cai trúng thầu, đã thi công được 90% giá trị hợp đồng, 10% còn lại là thảm bê tông mặt cầu và đường vào cầu. Thực tế, đến cuối tháng 10/2022, cầu Khánh Yên Hạ đã cơ bản hoàn thành các hạng mục phần cầu và thông xe kỹ thuật trên cầu, thậm chí đã được kiểm toán và đánh giá chất lượng công trình. Tuy nhiên do phải chờ gói thầu tiếp giáp (dự án nâng cấp đường thị trấn Khánh Yên đi các xã Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ, Liêm Phú) thi công phần đường thì Công ty Cổ phần Cầu Lào Cai mới thi công được phần đường dẫn vào cầu dài 30m (phía thôn Pắc Sung, xã Khánh Yên Hạ). Thành thử, phần cầu đã làm xong từ lâu nhưng không thể thi công tiếp đường dẫn vào cầu và thảm bê tông nhựa mặt cầu chỉ vì phải “đợi” dự án tiếp giáp.
Như đã nói ở trên, đoạn đấu nối vào cầu Khánh Yên Hạ được mở mới có chiều dài gần 300 m thuộc dự án nâng cấp đường thị trấn Khánh Yên đi các xã Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ, Liêm Phú. Cũng do chủ trương vận động người dân hiến đất, trong khi đoạn đường này mở mới, lấy vào nhiều diện tích canh tác của người dân (có hộ bị ảnh hưởng tới 1.000 m2 đất ruộng) dẫn đến nhiều hộ bị thiệt thòi. Để đảm bảo sự đồng thuận của tất cả các hộ bị ảnh hưởng trên toàn tuyến cũng như giảm bớt thiệt thòi cho các hộ trên đoạn mở mới này, Ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản huyện đã báo cáo UBND huyện xem xét, tổ chức họp, tuyên truyền, giải thích, lấy ý kiến Nhân dân và khi có được sự đồng thuận cao mới ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ, bồi thường. Quá trình này mất rất nhiều thời gian nên gần đây nhà thầu mới có mặt bằng để thi công đoạn mở mới này. Ngặt nỗi, có mặt bằng, khi tiến hành đắp nền đường, phần đấp đắp lấy ở mỏ đỉnh dốc đồi keo thôn Làn 2 (xã Khánh Yên Trung) không đạt hệ số đầm chặt. Do lượng đất ở mỏ này hết so với phạm vi được khai thác, nhà thầu chuyển sang lấy đất ở mỏ thuộc Km6+800 (thuộc xã Khánh Yên Hạ), khi đắp thực tế một lớp (chiều dài 50 - 70 cm) và tiến hành thí nghiệm tại hiện trường thì không đạt hệ số đầm chặt, đại diện chủ đầu tư đề nghị nhà thầu tạm dừng thi công. Hiện đại diện chủ đầu tư đã tìm được mỏ đất khác và đang lấy mẫu thí nghiệm, nếu đạt yêu cầu về hệ số đầm chặt sẽ tiếp tục triển khai.
Đại diện đơn vị thi công cho biết, nếu có đủ lượng đất và đạt yêu cầu hệ số đầm chặt thì chỉ cần hơn 2 tháng là sẽ hoàn thành. Như vậy, nhà thầu thi công cầu sẽ chờ thêm hơn 2 tháng nữa để cầu và đường “gặp nhau”.