Lượt xem: 1557
Những thách thức do xung đột địa chính trị diễn ra ở nhiều nơi, chuỗi cung ứng toàn cầu về linh phụ kiện, xuất khẩu vẫn đứt gãy, các nước lớn đang gia tăng các biện pháp bảo hộ…, dự báo sẽ tác động không nhỏ đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TechcomBank. Ảnh tư liệu: Thanh Tân/TTXVN

Để cùng đánh giá chi tiết về triển vọng của kinh tế năm 2024, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia.

Bước sang năm 2024, bối cảnh thế giới đang đặt ra những thách thức gì cho kinh tế Việt Nam, thưa ông?


Thế giới năm 2024 còn rất nhiều khó khăn. Theo đó, rủi ro địa chính trị vẫn còn rất phức tạp, chiến tranh còn dai dẳng. Đặc biệt, gần đây xuất hiện thêm xung đột ở Biển Đỏ sẽ cản trở giao thông và vận tải hàng hóa, dịch vụ, khiến chi phí logistics tăng lên. Vấn đề về an ninh lương thực, an ninh năng lượng cũng vẫn là một rủi ro cần lưu tâm.

Đặc biệt, với thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu, sự cố đổ vỡ ngân hàng trong năm qua đã khiến hệ thống ngân hàng trở nên thận trọng hơn và đương nhiên sẽ có những quy định và giám sát chặt chẽ hơn, khiến tăng trưởng tín dụng toàn cầu ở mức độ thấp hơn. Đầu tư của thế giới cũng phục hồi nhưng còn chậm. Tiêu dùng, đặc biệt ở hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc, vẫn còn khá thận trọng.

Thêm nữa, chủ nghĩa về bảo hộ thương mại trong thời gian vừa qua gia tăng đã tác động khá lớn đến việc hội nhập và thương mại quốc tế của Việt Nam.

Vậy trong năm 2024, theo ông chính sách tài khóa và tiền tệ cần lưu ý những gì để có thể hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng?

Theo tôi, trước tiên phải tiếp tục bám sát tình hình quốc tế, cả lĩnh vực kinh tế, tài chính và cả vấn đề về xã hội liên quan đến an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Cần liên tục bám sát để phân tích, dự báo tình hình và từ đó chủ động đưa ra những kịch bản ứng phó phù hợp, tránh bị động, bất ngờ.

Thêm nữa, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế; trong đó sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) và một số luật quan trọng khác liên quan đến thuế, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp... Cùng với các luật được thông qua năm 2023, đây sẽ là những nền tảng pháp lý quan trọng để cho các thị trường đất đai, bất động sản, tài chính, ngân hàng, lao động phát triển, ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới. Đồng thời, cũng cần khẩn trương ban hành khung pháp lý cho những mô hình kinh tế mới, kinh doanh mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng...

Về chính sách tiền tệ, vẫn cần tiếp tục duy trì các chính sách như thời gian vừa qua, nới lỏng một cách thận trọng và linh hoạt để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và phối hợp chính sách để kiểm soát tốt hơn rủi ro liên thông giữa ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản.

Ngoài ra, còn phát huy tốt hơn nữa những động lực tăng trưởng truyền thống, như "cỗ xe tam mã" về xuất khẩu - đầu tư - tiêu dùng. Đồng thời, phải quyết liệt hơn về câu chuyện cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp, tổ chức tín dụng yếu kém để đảm bảo khâu huy động, phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

 

Ông có dự báo như thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 và đồng thời có những khuyến nghị về giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng theo nghị quyết của Quốc hội đặt ra từ 6-6,5%.

Trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, dự báo tăng trưởng thấp hơn hoặc ngang bằng năm 2023 thì kinh tế Việt Nam lại có chút khác biệt. Sự phục hồi kinh tế trong nước ở những tháng cuối năm 2023 sẽ tạo đà để kinh tế năm 2024 phục hồi và tăng trưởng.

Theo kịch bản cơ sở, ước tính năm 2024 có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 6-6,5%. Theo đó, các lĩnh vực phục hồi khá đồng đều cả nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và lĩnh vực dịch vụ.

Về lạm phát, với lượng cung tiền và các yếu tố khác tác động, lạm phát hoàn toàn trong tầm kiểm soát, khoảng 3,5-4%.

Ngoài ra, xuất khẩu năm 2024 dự báo cũng sẽ phục hồi, có thể tăng trưởng dương trở lại ở mức 5% trong năm nay.

Về đầu tư, đầu tư nước ngoài kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Đầu tư công quyết tâm thúc đẩy giải ngân tương đương với năm 2023. Đầu tư tư nhân kỳ vọng được kích cầu mạnh mẽ hơn nữa để tốc độ tăng đầu tư tư nhân ở mức khoảng 6%.

Các nhóm giải pháp quan trọng tôi đã trình bày ở trên. Năm nay được coi là năm bản lề của giai đoạn 2021-2025, do đó cả hệ thống cần cố gắng nỗ lực hơn nữa để tạo đà hứng khởi cho năm cuối của nhiệm kỳ.

Trân trọng cảm ơn ông!