Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai, lãnh đạo VCCI, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, Bắc Giang đồng chủ trì diễn đàn. Ảnh Hải Yến
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI tại Diễn đàn Liên kết doanh nghiệp cho biết, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là vùng có nhiều tiềm năng, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN, nhưng lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển kinh tế và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn chưa chặt chẽ.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho rằng nguyên nhân hạn chế của vùng là năng lực kết nối giao thông, bao gồm cả trục dọc và trục ngang còn nhiều hạn chế, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, mới chỉ nghiêng về giao thông đường bộ (nhưng cũng chưa hoàn chỉnh, mới chỉ hình thành một số tuyến cao tốc như: Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên…). Điều này dẫn đến tình trạng các địa phương trong vùng như những người hàng xóm "gần nhà xa ngõ", muốn từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên đến Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ nhanh nhất chỉ có cách đi về Hà Nội rồi quay ngược lại vì thiếu trục giao thông ngang kết nối giữa các địa phương… Những điều đó đã ảnh hưởng lớn đến cơ hội giao thương, xúc tiến đầu tư của các tỉnh trong vùng.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh nhấn mạnh, Lào Cai đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, đến nay có thể nói tỉnh Lào Cai là một trong những địa phương có mạng lưới giao thông thuận lợi, đa dạng.
Cụ thể, các tuyến Quốc lộ phân bố rộng khắp, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai liên kết với vùng thủ đô, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh đã có phương án nâng cấp lên khổ lồng 1,435m, đẩy mạnh phát triển tuyến đường thủy nội địa và đặc biệt phát triển đường hàng không với cảng Hàng không Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, sẽ khởi công trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh Hồng Nhung
Tuy nhiên, để hiện thực được mục tiêu xây dựng Lào Cai thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam (Trung Quốc), đồng thời tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn cho khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị thì tỉnh Lào Cai kiến nghị với Chính phủ quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai các dự án lớn về hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không để thúc đẩy liên kết vùng.
Đó là đầu tư dự án đầu tư đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai theo quy mô 4 làn xe vào năm 2023 và hoàn thiện quy mô 6 làn xe theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2030, do đây là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Lào Cai cũng như khu vực Tây Bắc. Trong khi đó, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai chỉ có quy mô 2 làn xe nên còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, tốc độ khai thác thấp làm giảm hiệu quả khai thác và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh Lào Cai nói riêng cũng như của các tỉnh khu vực Tây Bắc nói chung.
Hỗ trợ tỉnh Lào Cai hoàn thành và đưa vào khai thác Cảng Hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, công suất 3 triệu hành khách/năm trước năm 2030. Cảng Hàng không Sa Pa được đầu tư, đưa vào hoạt động sẽ có sức lan tỏa rất lớn đối với tỉnh Lào Cai nói riêng, khu vực Tây Bắc và cả nước nói chung, từng bước góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông; thúc đẩy liên kết vùng của Lào Cai với các địa phương của Việt Nam và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.
Sớm cho nghiên cứu quy hoạch dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ đường 1,435m, vì đây là tuyến đường có ý nghĩa rất lớn đối với việc kết nối vận chuyển, giao lưu, thúc đẩy kinh tế giữa các tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ, khu vực Hà Nội và các tỉnh khu vực Tây Bắc. Đồng thời, kết nối vận tải đường sắt với Trung Quốc và từ đó kết nối với đường sắt các nước Á - Âu.
Hoàn thành xây dựng tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Hà Giang (CT.12) theo quy mô 4 làn xe; nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực để triển khai sớm cao tốc Bảo Hà (Lào Cai) - Lai Châu (CT.13) theo quy mô 4 làn xe.
Hoàn thiện các tuyến quốc lộ gồm: QL.70, QL.4, QL.4D, QL.4E, QL.279 và các tuyến quốc lộ kết nối với các tuyến quốc lộ đi qua tỉnh theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối giữa Lào Cai với các trung tâm kinh tế lớn của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ./.