Lượt xem: 160
Mới qua ngày đông chí, Pha Long (Mường Khương) như còn ngủ vùi trong giá lạnh, vậy mà quanh những mái nhà đã ấm nồng khói bếp, bật lên sắc hồng của những cành đào sai nụ. Đào hồng báo hiệu xuân đã cận kề trên đất Rồng Hoa.

Rót chén nước chè Shan nóng hổi, Chủ tịch UBND xã Pha Long - Vàng Tỉn Dung cho hay: Chè do người Pha Long trồng trên đất Pha Long đấy, không kém gì chè Cao Sơn, Tả Thàng đâu!

Câu nói của đồng chí Chủ tịch UBND xã như minh chứng cho sự đổi thay về tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân nơi đây.

Thực tế, cây chè Shan mới bén đất Pha Long được 3 năm, nhưng để bén rễ thì phải mất nhiều thời gian để người dân hiểu và “phải lòng” với cây chè Shan, bởi với người dân Pha Long, bao đời nay chỉ có 2 loại cây là ngô và lúa. Do vậy, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, lãnh đạo xã, trưởng các đoàn thể, đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn đi đầu, đưa cây chè vào trồng thay thế cây ngô và lúa nương. Để người dân tin hơn, xã đã đưa các hộ xuống tận Lùng Vai, Bản Sen cùng ở, cùng học, cùng làm chè với người dân ở đây.

“Mắt thấy, tai nghe”, thấy được hiệu quả do cây chè mang lại, trở về địa phương, người dân đã mạnh dạn đăng ký chuyển toàn bộ diện tích trồng ngô sang trồng chè. Chưa bao giờ phong trào trồng chè lại mạnh mẽ như thế và kể từ khi “khai sơn phá thạch” hình thành nên mảnh đất Rồng Hoa, đây cũng là lần đầu tiên cây chè có mặt trên đất Pha Long. Chỉ trong 3 năm (2021 - 2023), người dân xã Pha Long đã trồng mới hơn 40 ha chè Shan, diện tích chè trồng năm đầu đã cho thu bói.

z5143076770822_0f1c346b53cbe4c463a98494535302fe.jpg

Ông Sền Chẩn Phủ, thôn Pha Long 1 tâm sự: Bao đời nay gắn bó với cây ngô, cây lúa nên khi xã triển khai trồng chè, gia đình tôi không khỏi phân vân. Tuy nhiên, được tham quan, học tập kinh nghiệm các hộ trồng chè ở vùng thấp, gia đình tôi quyết định chuyển toàn bộ 0,4 ha trồng ngô 1 vụ sang trồng chè. Hiện diện tích chè trồng năm 2021 đã cho thu bói, với giá bán 9.000 đồng/kg chè búp tươi. Những năm tới, khi cây chè cho thu hái ổn định, chắc chắn nguồn thu của gia đình sẽ tăng và cao hơn trồng ngô.

Trước cây chè, người dân Pha Long đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng cây ăn quả. Hiện Pha Long được biết đến là “vựa” cây ăn quả ở khu vực các xã vùng cao của huyện Mường Khương. Đặc biệt, trên địa bàn xã có 50 ha quýt, trong đó 10 ha đã cho thu hoạch quả; 21 ha cam, trong đó 5 ha cho thu hoạch. Trên mảnh đất Rồng Hoa này đã có nhiều hộ thoát nghèo và làm giàu từ trồng cây ăn quả. Điển hình như hộ ông Giàng Sào Lìn, thôn Lao Ma Chải, mỗi vụ quýt thu gần 100 triệu đồng. Đứng trên đồi quýt trĩu quả đang vào vụ thu hoạch, ông Lìn không giấu được niềm vui: Năm nay quýt được mùa, quả to và đều, thương lái đặt mua cả đồi với giá trung bình 20.000 đồng/kg.

z5143068597889_743abf8032a752b749db9ff3badde887.jpg

Chính ông Lìn cũng không nghĩ lại có nguồn thu nhập “khủng” đến vậy, bởi trên diện tích này, hơn chục năm trước, gia đình ông chỉ trồng được 1 vụ ngô, có năm nắng hạn kéo dài, cây ngô chỉ ra hoa mà không có bắp. “Với hiệu quả kinh tế từ trồng quýt, năm tới gia đình tôi sẽ mua quả đồi bên cạnh để trồng quýt”, ông Lìn quả quyết.

Nhắc đến những đổi thay trong tư duy phát triển kinh tế của người dân Pha Long mà không nhắc đến sự chuyển hướng “ngoạn mục” từ chăn nuôi đại gia súc lấy sức kéo sang chăn nuôi hàng hóa thì sẽ là thiếu sót. Trên địa bàn xã hiện có 475 hộ chăn nuôi đại gia súc với 1.300 con, trung bình gần 3 con gia súc/hộ. Không có gì ngạc nhiên khi trên địa bàn xã có hơn 100 hộ sở hữu từ 10 con trâu, bò trở lên, mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi đại gia súc 80 triệu đồng đến 120 triệu đồng.

z5143068615797_b70caab392f4d676d9d8b6e9af933f88.jpg

Theo đánh giá của huyện, Pha Long là điển hình trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở khu vực vùng cao. Thành quả ấy không phải tự nhiên mà có, đó là sự chủ động, sáng tạo, tìm tòi những cây trồng, vật nuôi tiềm năng của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự quyết tâm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của người dân. Hai “nguồn lực” ấy đã tạo sắc mới cho “đất thép” Pha Long - mảnh đất Rồng Hoa ở xứ Mường.