Lượt xem: 1598
Cục Điều tiết điện lực cho biết tình trạng sông Đà trơ đáy xảy ra ở hạ lưu nên không ảnh hưởng đến phát điện. Tuy nhiên, việc nước về lưu vực sông Đà ít hơn mọi năm sẽ ảnh hưởng đến phát điện cao điểm mùa khô.

Cách Hà Nội khoảng 70km, lòng sông Đà đoạn qua huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, nổi lên nhiều bãi bồi kéo dài hàng trăm mét.

Dọc con sông này có nhiều nhà máy thủy điện như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng và Bản Chát. Vậy, tình trạng thiếu nước này có ảnh hưởng đến việc phát điện của các nhà máy thủy điện?

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho biết tình trạng sông Đà cạn nước xảy ra ở hạ lưu nên không ảnh hưởng đến phát điện. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nước về lưu vực Sông Đà ít. Điều này sẽ ảnh hưởng đến phát điện trong thời điểm tiêu thụ điện tăng cao.

Ông Hòa cũng cho biết, năm nay được dự báo xuất hiện hiện tượng El Nino nên việc tích nước đã được chuẩn bị từ sớm. Tuy nhiên, việc cung ứng điện phụ thuộc lớn vào phụ tải.

“Nếu phụ tải tăng trưởng lớn quá cũng khó khăn”, ông Hòa nói và cho rằng cần tăng cường tiết kiệm điện trong thời gian tới, đặc biệt là mùa khô.

Các bãi bồi lớn ở lòng sông Đà.

Các bãi bồi lớn ở lòng sông Đà.

Theo kế hoạch cung ứng điện năm 2024 được Bộ Công thương phê duyệt, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc các tháng cao điểm mùa khô (tháng 4, 5, 6 và 7) là 109.183 tỷ kWh.

Thiếu điện có thể tiếp tục xảy ra tại khu vực phía Bắc, khi nhiều tỉnh như: Nghệ An, Hưng Yên, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc có nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp, khách hàng quy mô lớn, khiến mức tăng trưởng điện sử dụng có thể lên mức 8,7-13,7%.

Trong khi năm nay, miền Bắc sẽ không có nguồn điện lớn nào được bổ sung. Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã lên 2 kịch bản cấp điện năm 2024 căn cứ trên dự báo phụ tải và công bố khả dụng của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0). Theo đó, với kịch bản kiểm tra và với phương án cao dự báo phụ tải, EVNNPC có thể thiếu từ 1.200-2.500 MW vào cuối tháng 5 đến tháng 7.

EVNNPC dự kiến sẽ mua điện từ Trung Quốc qua lưới điện 220kV cấp điện cho 1 phần Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Thái Nguyên với sản lượng mua cả năm 2.569 tỷ kWh. Ngoài ra, đơn vị này cũng lên phương án nhập khẩu điện Trung Quốc qua các đường dây 110kV liên kết (Thâm Câu - Móng Cái, Lào Cai - Hà Khẩu, Mamaotiao – Thanh Thủy).

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tập đoàn đang chuẩn bị kịch bản để 3 tháng mùa khô không xảy ra tình trạng thiếu điện như năm 2023 và kịch bản tăng trưởng cao với GDP tăng 6-6,5%, tốc độ tăng trưởng điện 9,4-9,8%. Tuy nhiên, EVN chỉ chiếm gần 38% tổng cơ cấu nguồn điện. Còn lại, PVN chiếm 8%, TKV khoảng 2% và 52% nguồn điện phụ thuộc vào các chủ đầu tư nhà máy điện BOT, các nhà máy điện tư nhân.

Do đó, năm nay, EVN tập trung là hoàn thành sửa chữa các nhà máy, tích nước các hồ thủy điện ở mức cao nhất, đồng thời đề nghị bộ, các đơn vị bám sát kế hoạch cung ứng điện đã được phê duyệt để giữ độ tin cậy tối đa trong vận hành hệ thống.

Theo Báo Giao thông