Lượt xem: 174
Tổng kế hoạch vốn xây dựng giao thông Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được giao năm 2024 là 56.666 tỷ đồng, mặc dù thấp hơn năm 2023, nhưng để giải ngân hết đòi hỏi ngành phải quyết liệt ngay từ đầu năm. 0:00 / 0:00 0:00

Nhộn nhịp trên các công trình giao thông

Những ngày cuối tháng 1/2024, trên công trường cao tốc thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt giai đoạn I, các nhà thầu đang huy động 101 mũi thi công, hơn 850 máy móc thiết bị, gần 2.000 nhân lực trải dài trên toàn tuyến cao tốc thi công.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc doanh nghiệp dự án Công ty Cổ phần Phúc Thành Hưng, các gói thầu hiện đã đạt tiến độ tổng thể gần 65%, các cầu trên tuyến dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2024 và đang bắt đầu thảm mặt đường cao tốc lớp bê tông nhựa rỗng đầu tiên, dự kiến hoàn thành thảm bê tông nhựa nóng lớp cuối vào cuối tháng 4/2024 và đảm bảo tiến độ cán đích trong tháng 5/2024...

Thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.

Tương tự, sau chuỗi ngày thời tiết bất lợi, hơn 1.800 công nhân vận hành khoảng 900 đầu máy thiết bị trên công trường cao tốc Vân Phong - Nha Trang giai đoạn II vẫn miệt mài thi công đồng loạt các hạng mục cầu, đường để tiếp tục lũy tiến sản lượng. Theo ông Trần Đình Tuyên, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT), sản lượng thi công dự án hết tháng 1/2024 đã đạt khoảng 35% giá trị hợp đồng, vượt khoảng 3,5% so với kế hoạch. Năm 2024, kế hoạch vốn đơn vị được giao hơn 6.000 tỷ đồng, với 2 cao tốc thành phần Chí Thạnh - Vân Phong 2.316 tỷ đồng, Vân Phong - Nha Trang 2.339 tỷ đồng...

Là một trong những Ban Quản lý dự án giao thông có kết quả giải ngân cao nhất của Bộ GTVT năm 2023 với tỷ lệ 98,7% (tổng kế hoạch vốn hơn 9.850 tỷ đồng), năm 2024, Ban Quản lý dự án Thăng Long tiếp tục được giao hơn 4.427 tỷ đồng. Cùng trong nhóm các ban quản lý dự án có kết quả giải ngân cao, Ban Quản lý dự án 6 cũng được giao tổng vốn 8.685 tỷ đồng...

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao năm 2024, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có văn bản người đứng đầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các cơ quan tham mưu nâng cao trách nhiệm, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024.

Trong đó, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án được giao phải phân khai dự toán chi theo kế hoạch được giao cho các dự án đúng tiến độ yêu cầu; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu cuốn chiếu; kịp thời ghi thu, ghi chi các nguồn vốn giải ngân và xử lý nghiêm các cá nhân, cán bộ không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán.

Điều chuyển, thay thế nhà thầu yếu kém

Ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho hay, để đảm bảo hiệu quả giải ngân, Vụ đã tham mưu Bộ GTVT yêu cầu các dự án phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, quý, xác định "đường găng" giải ngân để cập nhật báo cáo Bộ làm cơ sở cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện; đồng thời, thực hiện cá thể hóa trách nhiệm các chủ thể trong từng khâu, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong quá trình thanh toán.

Qua tìm hiểu, năm 2024 là năm bản lề để hoàn thành loạt dự án cao tốc vào năm 2025. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã và đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương ngay từ đầu năm tháo gỡ triệt để khó khăn trong giải phóng mặt bằng, hoàn thành thủ tục cấp mỏ vật liệu... để đảm bảo tiến độ thi công.

Đặc biệt, kết quả giải ngân các dự án phụ thuộc lớn vào sản lượng thi công ở hiện trường, vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thường xuyên rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện của các nhà thầu; thực hiện điều chuyển ngay khối lượng thi công các nhà thầu chậm, tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy", dự án đến giai đoạn cuối mới tìm nhà thầu thay thế.

Ngoài ra, Cục Quản lý đầu tư xây dựng và Cục Đường cao tốc Việt Nam được Bộ GTVT yêu cầu có trách nhiệm khẩn trương thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu, thiết kế, dự toán, các dự án... khi nhận được hồ sơ do các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án trình, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương.

Đại diện các Ban Quản lý dự án cũng chia sẻ thêm, để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn, các dự án sẽ duy trì cơ chế linh hoạt trong công tác giải ngân, nhất là cơ chế bảo lãnh cho các nhà thầu uy tín...

Năm 2023, kế hoạch vốn giải ngân của ngành GTVT đạt gần 92.186 tỷ đồng, đạt 96,8% kế hoạch. Năm 2024, xét theo nhóm chủ đầu tư, số vốn được giao hơn 56.600 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án, trong đó, các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn I, II chiếm phần lớn kế hoạch vốn được giao, với 34.512 tỷ đồng, chiếm 60%.